Điều chỉnh, truy lĩnh trợ cấp ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hưởng trợ cấp trước 01/9/2012
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH thì thời điểm thời điểm điều chỉnh, mức điều chỉnh, truy lĩnh, truy nộp trợ cấp ưu đãi đối với nhóm đối tượng là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận và đang hưởng trợ cấp trước ngày 01/9/2012 được quy định cụ thể như sau:
1. Thời Điểm Điều chỉnh: Từ ngày 01/01/2013.
2. Điều chỉnh mức hưởng từ mức trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 40% (bằng 0,76 lần mức chuẩn) sang hưởng mức trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60% (bằng 1,27 lần mức chuẩn).
3. Việc giải quyết truy lĩnh, truy nộp phần chênh lệch trợ cấp được căn cứ vào mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong từng thời kỳ do Chính phủ quy định, cụ thể:
- Từ ngày 01/01/2013 đến ngày 30/6/2013: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 47/2012/NĐ-CP ngày 28/5/2012 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH tiếp tục hưởng trợ cấp mức 1.840.000 đồng/tháng (theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81%); trong thời gian này không có chênh lệch mức trợ cấp;
- Từ ngày 01/7/2013 đến ngày 31/12/2014: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2013/NĐ-CP ngày 04/9/2013 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH được hưởng mức trợ cấp mức 1.549.000 đồng/tháng.
Trường hợp đối tượng đã hưởng mức trợ cấp 927.000 đồng/tháng (theo mức của người có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21%-40%), thì được truy lĩnh phần chênh lệch trợ cấp là 622.000 đồng/tháng. Số tiền được truy lĩnh tương ứng với số tháng thực tế mà đối tượng đã hưởng mức trợ cấp 927.000 đồng/tháng.
Trường hợp đối tượng đã hưởng mức trợ cấp 1.840.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định số 47/2012/NĐ-CP ngày 28/5/2012 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thì phải truy nộp ngân sách nhà nước phần chênh lệch trợ cấp là 291.000 đồng/tháng. Số tiền truy nộp tương ứng với số tháng thực tế mà đối tượng đã hưởng mức trợ cấp 1.840.000 đồng/tháng, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH;
- Từ ngày 01/01/2015 trở đi: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học quy định tại Điều 1 Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH được hưởng mức trợ cấp 1.673.000 đồng/tháng.
Trường hợp đối tượng đã hưởng mức trợ cấp 1.001.000 đồng/tháng (theo mức của người có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21%-40%), thì được truy lĩnh phần chênh lệch trợ cấp là 672.000 đồng/tháng. Số tiền được truy lĩnh tương ứng với số tháng thực tế mà đối tượng đã hưởng mức trợ cấp 1.001.000 đồng/tháng.
4. Trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ trần trước ngày Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành:
- Trường hợp đối tượng được truy lĩnh phần chênh lệch trợ cấp, thì đại diện thân nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi Tiết, hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được hưởng truy lĩnh phần chênh lệch trợ cấp theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH;
- Trường hợp đối tượng đã hưởng mức trợ cấp cao hơn mức trợ cấp được Điều chỉnh theo quy định tại Điều này thì đại diện thân nhân không phải hoàn trả phần chênh lệch trợ cấp.
5. Sau khi bù trừ số tiền được truy lĩnh và số tiền phải truy nộp ngân sách nhà nước (nếu có), cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thanh toán phần chênh lệch trợ cấp như sau:
- Trường hợp được truy lĩnh phần chênh lệch trợ cấp: Cơ quan Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện thanh toán một lần cho đối tượng cùng với việc chi trả trợ cấp tháng tiếp theo, kể từ ngày Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH có hiệu lực;
- Trường hợp phải hoàn trả ngân sách nhà nước phần chênh lệch trợ cấp (trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư 22/2016/TT-BLĐTBXH): Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện trừ dần vào số tiền chi trả trợ cấp các tháng tiếp theo của đối tượng; số tiền giảm trừ hằng tháng tối đa không quá 30% mức trợ cấp được hưởng theo quy định.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật