Trách nhiệm của người chủ trì cuộc họp của cơ quan hành chính nhà nước
Tại Điều 14 Quyết định 45/2018/QĐ-TTg, có hiệu lực ngày 25/12/2018, quy định trách nhiệm của người chủ trì cuộc họp như sau:
- Quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung chương trình, thời gian của cuộc họp.
- Xác định thời gian tối đa cho người tham dự cuộc họp trình bày ý kiến; trường hợp gần hết thời gian họp thì có thể phát phiếu xin ý kiến góp ý để tổng hợp, nghiên cứu.
- Điều hành cuộc họp theo chương trình nghị sự đã được công bố trước cuộc họp, phát huy dân chủ trong thảo luận; khuyến khích các ý kiến có tính chất phản biện; tăng cường đối thoại, trao đổi, tranh luận trực tiếp.
- Có ý kiến kết luận, quyết định khi kết thúc cuộc họp. Nội dung kết luận, quyết định đưa ra tại cuộc họp phải rõ ràng, chặt chẽ, có tính khả thi gồm các nội dung sau:
+ Nội dung công việc, tính chất và tầm quan trọng của công việc;
+ Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện, cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân phối hợp thực hiện;
+ Thời gian và lộ trình thực hiện.
- Chỉ đạo thu hồi tài liệu có chỉ dẫn về phạm vi lưu hành nội bộ, tài liệu xác định cấp độ mật đã phát cho các đại biểu tham dự họp.
- Giao trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị ra văn bản thông báo kết luận họp (nếu cần thiết).
- Xem xét, quyết định việc hoãn họp, hủy họp, thay đổi về thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình họp đối với các trường hợp sau:
+ Xảy ra tình huống bất khả kháng;
+ Có ý kiến chỉ đạo của cấp trên;
+ Chưa chuẩn bị kịp về nội dung, cơ sở vật chất hoặc những việc cần thiết khác cho cuộc họp;
+ Họp trực tuyến nhưng có sự cố đột xuất về kỹ thuật, đường truyền.
- Quyết định về việc cho phép phóng viên báo chí của trung ương, địa phương tham dự và đưa tin về cuộc họp.
Trên đây là quy định trách nhiệm của người chủ trì cuộc họp của cơ quan hành chính nhà nước.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc