Đảng viên vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm bị xử lý như thế nào?
Theo Điều 12 Quy định 181-QĐ/TW năm 2013 xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì nội dung này được quy định như sau:
1. Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội ít nghiêm trọng, bị xử lý hình sự thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Thiếu trách nhiệm trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tội phạm.
b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thiếu trách nhiệm hoặc không tổ chức quán triệt, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm theo chức trách, nhiệm vụ được giao; không có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tội phạm ở địa phương, lĩnh vực, tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách.
c) Vì thành tích hoặc trốn tránh trách nhiệm mà báo cáo không kịp thời, không đầy đủ về tình hình tội phạm ở địa phương, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách.
2. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội nghiêm trọng, bị xử lý hình sự hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Không thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao về phòng, chống tội phạm hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng các quy định về thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám định, truy tố, xét xử, thi hành án và trong việc xét đặc xá, ân giảm đối với các loại tội phạm.
b) Để vợ (chồng), con lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình tổ chức, thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc để cấp dưới trực tiếp phạm tội nghiêm trọng hoặc bản thân bao che các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
c) Báo cáo không trung thực về tình hình tội phạm xảy ra trong địa bàn, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân công trực tiếp phụ trách nhằm che giấu, trốn tránh trách nhiệm.
d) Cản trở, gây khó khăn, trở ngại trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, ân giảm hoặc để hư hỏng, mất, thất lạc hồ sơ, tài liệu, chứng cứ của vụ án.
đ) Trả thù, trù đập người tố giác hành vi phạm tội của mình hoặc của bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột.
e) Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách thực hiện sai quy định dẫn đến làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xét đặc xá, ân giảm không đúng quy định.
g) Chỉ đạo, quyết định hoặc đề xuất thay đổi biện pháp ngăn chặn trái quy định của pháp luật đối với người phạm tội.
h) Bảo kê, bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật về giao thông.
3. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ (trừ trường hợp có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội nghiêm trọng, bị xử lý hình sự):
a) Làm sai lệch hồ sơ vụ án để không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, miễn, giảm tội, thay đổi tội danh cho người phạm tội hoặc bao che, tiếp tay cho tội phạm.
b) Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách trả thù cán bộ điều tra vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra ở tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách.
c) Bảo kê cho những hoạt động phạm tội, gây án nghiêm trọng tại địa bàn mình trực tiếp theo dõi, phụ trách.
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của ngành trong hoạt động nghiệp vụ hoặc trái quy định của pháp luật trong hoạt động tố tụng.
đ) Ép buộc, mua chuộc cá nhân hoặc tổ chức để bao che, giảm tội cho người khác.
e) Giấu giếm, không báo cáo hoặc tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu vụ án; không đề nghị và không thực hiện việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố bị can theo chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trên đây là nội dung quy định về việc xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quy định 181-QĐ/TW năm 2013.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật