Các trường hợp tên giống cây trồng không được chấp nhận lưu hành theo Luật Trồng trọt 2018
Ngày 19/11/2018 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, tại kỳ họp thứ 6 đã thông qua Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 (gọi tắt là Luật Trồng trọt 2018).
Luật Trồng trọt 2018 quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.
Theo quy định tại Điều 14 Luật Trồng trọt 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) thì tên giống cây trồng không được chấp nhận trong trường hợp sau đây:
- Chỉ bao gồm chữ số;
- Vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;
- Trùng cách đọc hoặc cách viết với tên của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân, các loại thực phẩm, đồ uống, dược phẩm;
- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của giống cây trồng, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan;
- Dễ gây hiểu nhầm về đặc trưng, đặc tính của giống đó;
- Dễ gây hiểu nhầm về danh tính của tác giả;
- Trùng với tên của giống cây trồng đã được bảo hộ.
Tổ chức, cá nhân mua bán vật liệu nhân giống của giống cây trồng phải sử dụng tên giống đã được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng.
Khi sử dụng tên giống cây trồng kết hợp với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc các chỉ dẫn tương tự với tên giống cây trồng đã được công nhận lưu hành hoặc công bố lưu hành để sản xuất, mua bán thì tên đó phải có khả năng nhận biết một cách dễ dàng.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật