Quyền, nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng
Theo quy định pháp luật hiện hành thì cơ quan, tổ chức được hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng khi có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
Việc cấp, tạm đình chỉ, thu hồi, thay đổi nội dung và cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định 130/2018/NĐ-CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 130/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thì tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng có quyền và nghĩa vụ cụ thể sau đây:
- Cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng theo đúng phạm vi và đối tượng đăng ký hoạt động ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
- Quy định việc cung cấp và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan, tổ chức theo phạm vi, đối tượng đăng ký hoạt động.
- Báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Trong trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng chữ ký số chuyên dùng để giao dịch với tổ chức, cá nhân phục vụ các hoạt động chuyên ngành thuộc chức năng nhiệm vụ của mình thì phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp theo quy định tại các Điều 9, 40 và 41 Nghị định 130/2018/NĐ-CP.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật