Trách nhiệm của các đơn vị trong soạn thảo, thẩm định và thẩm tra văn bản trong hệ thống BHXH Việt Nam
Theo Điều 20 Quy chế làm việc của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 1760/QĐ-BHXH năm 2012 thì trách nhiệm của các đơn vị trong soạn thảo, thẩm định và thẩm tra văn bản trong hệ thống BHXH Việt Nam được quy định như sau:
1. Đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản:
a) Xây dựng dự thảo văn bản theo đúng Quy định về trình tự, thủ tục quyền ban hành văn bản, quản lý văn bản trong hệ thống BHXH Việt Nam;
b) Cung cấp thông tin tài liệu có liên quan đến dự thảo văn bản theo yêu cầu của đơn vị thẩm định, thẩm tra;
c) Giải trình về dự thảo văn bản khi có yêu cầu của đơn vị thẩm định, thẩm tra;
d) Phối hợp với đơn vị thẩm định, thẩm tra nghiên cứu tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo văn bản;
đ) Chịu trách nhiệm toàn diện về thể thức và nội dung văn bản.
2. Ban Pháp chế
a) Điểm này bị thay thế bởi Điều 6 Quyết định 826/QĐ-BHXH năm 2014
b) Nội dung thẩm định văn bản:
- Sự cần thiết ban hành văn bản;
- Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản;
- Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng;
- Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với các văn bản do BHXH Việt Nam ban hành;
- Tính khả thi của dự thảo văn bản;
- Việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo văn bản;
- Đối với văn bản có quy định về thủ tục hành chính thì ngoài việc thẩm định các nội dung nêu trên còn phải thẩm định thêm:
+ Sự cần thiết của thủ tục hành chính;
+ Tính hợp pháp, hợp lý của thủ tục hành chính;
+ Chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính.
c) Hồ sơ thẩm định văn bản thực hiện theo quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành văn bản, quản lý văn bản trong hệ thống BHXH Việt Nam.
d) Thời hạn thẩm định
Thời hạn thẩm định một dự thảo văn bản hành chính, cá biệt không quá 02 ngày làm việc; đối với văn bản quy định, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành, tờ trình hoặc văn bản có nội dung phức tạp không quá 05 ngày làm việc; đối với đề án, đề tài không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp cần rút ngắn thời gian phải có ý kiến của lãnh đạo Ngành hoặc Thủ trưởng đơn vị chủ trì soạn thảo;
đ) Phối hợp trong thẩm định
- Tham gia cùng đơn vị chủ trì soạn thảo khảo sát thực tế về những vấn đề thuộc nội dung của dự thảo khi cần thiết.
- Trao đổi trực tiếp với đơn vị soạn thảo về những vấn đề cần làm rõ hoặc những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung; yêu cầu đơn vị soạn thảo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến dự thảo văn bản nếu thấy cần thiết; trong trường hợp không thống nhất được ý kiến, Ban Pháp chế có quyền bảo lưu ý kiến, báo cáo lãnh đạo Ngành.
- Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của lãnh đạo Ngành, Ban Pháp chế thực hiện nhiệm vụ thẩm định một cách độc lập.
e) Phạm vi trách nhiệm
Ban Pháp chế chịu trách nhiệm về các nội dung quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều này.
3. Văn Phòng
a) Chịu trách nhiệm thủ tục hồ sơ, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản;
b) Chịu trách nhiệm về nội dung văn bản theo Điểm c, Khoản 2 Điều 21 Quy chế này.
Trên đây là nội dung quy định về trách nhiệm của các đơn vị trong soạn thảo, thẩm định và thẩm tra văn bản trong hệ thống BHXH Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1760/QĐ-BHXH năm 2012.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật