Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng những hoạt động nào?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 28 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bằng những hoạt động sau đây:
- Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu;
- Đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng;
- Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
- Độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao như sau:
+ Khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
+ Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ cơ quan nhà nước giao cho tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực hiện.
- Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng.
Trên đây nội dung trả lời về những hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về vấn đề này tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật