Dưới 18 tuổi có được lập di chúc hay không?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác. Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.
Trong đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Tại Điều 625 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
"Điều 625. Người lập di chúc
1. Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc."
Mặt khác, Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật dân sự 2015 thì người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
Như vậy: Căn cứ các quy định được trích dẫn trên đây thì người từ 18 tuổi trở lên, minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong khi lập di chúc có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc (đồng nghĩa, người dưới 15 tuổi thì không thuộc đối tượng có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình).
=> Do đó: Đối với trường hợp bạn cung cấp thì bạn có thể lập di chúc để lại tài sản của mình cho cha mẹ của bạn. Tuy nhiên, bạn phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Trường hợp bạn lập di chúc thì di chúc của bạn được xem là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Bạn hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Di chúc bắt buộc phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật