Di chúc miệng có có còn hiệu lực áp dụng nữa hay không?
Theo quy định pháp luật hiện hành thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Trong đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Theo đó, theo quy định tại Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 thì di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 629 Bộ luật dân sự 2015 thì sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Do đó: Đối với trường hợp mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì từ khi mẹ bạn lập di chúc miệng đến nay đã là 3 năm. nên, tính đến hiện tại thì di chúc miệng của mẹ bạn đã mặc nhiên bị hủy bỏ từ cách đây gần 3 năm.
Như vậy: Gia đình bạn không thể căn cứ vào di chúc này để thực hiện phân chia di sản thừa kế đối với phần di sản mà mẹ bạn để lại được.
Việc chia di sản thừa kế đối với phần di sản thừa kế mà mẹ bạn để lại được thực hiện chia thừa kế theo pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật