Mít, chuối nhà trồng nhưng trái lại nằm bên nhà người ta thì phải giải quyết thế nào?
Tại Điều 158, Điều 189 và Khoản 1 Điều 109 Bộ luật Dân sự có quy định như sau:
"Điều 158. Quyền sở hữu
Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật."
"Điều 189. Quyền sử dụng
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản."
"Điều 109. Hoa lợi, lợi tức
1. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại."
=> Vậy, theo các quy định trên và với thông tin mà bạn cung cấp thì có thể thấy bạn là chủ sở hữu của hai cây mít đó nên bạn sẽ có quyền được hưởng hoa lợi là tất cả trái của cây mít.
Tuy nhiên, do một số cành của cây mít kèm theo trái đã mọc sang phần đất của nhà của ông Năm nên quyền sở hữu đối với số mít trong trường hợp này sẽ giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể :
"Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
….......
2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
=> Như vậy, theo quy định trên thì để xác định ai là chủ sở hữu đối với số lượng mít trên phần cây mọc sang nhà ông Năm thì bạn có thể thỏa thuận với ông ấy. Nếu thỏa thuận không được thì bạn phải tiến hành cắt, tỉa những cành vượt qua nhà ông Năm để thu hồi lại số mít đó.
Trường hợp nếu bạn không tự nguyện cắt, tỉa số cành này hoặc ông Năm cũng đã yêu cầu mà bạn không thực hiện thì coi như bạn đã từ bỏ quyền sở hữu đối với phần mít vượt qua theo quy định tại Điều 239 Bộ luật Dân sự 2015 và kể từ lúc đó, ông Năm sẽ là chủ sở hữu và có quyền cắt tỉa các cành mọc qua đất nhà ổng để thu số mít này bạn nhé.
(Điều 239 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc từ bỏ quyền sở hữu như sau:
Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.)
Trên đây là nội dung trả lời về giải quyết số mít mọc qua nhà của người khác. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về vấn đề này tại Bộ luật Dân sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật