Chế độ thai sản theo quy định mới?
- Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật lao động năm 2012, lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
Điểm b khoản 2 Điều 240 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật BHXH số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 như sau:
Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực (từ 1-5-2013), mà đến ngày 1-5-2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH số 71/2006/QH11 (thời gian nghỉ chế độ thai sản theo quy định của Luật BHXH là bốn tháng, nếu làm nghề hoặc công việc trong điều kiện lao động bình thường) thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012.
Như vậy nếu đến ngày 1-5-2013 mà bạn vẫn còn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH, thì thời gian bạn nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 đương nhiên là 6 tháng.
Điều 240 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về hiệu lực của Bộ luật lao động năm 2012 như sau:
1. Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013.
2. Kể từ ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành: quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con tại Luật BHXH số 71/2006/QH11 được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012. Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực, mà đến ngày 1-5-2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH số 71/2006/QH11 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012.
Như vậy Điều 240 Bộ luật lao động đã quy định rất cụ thể điều kiện như nêu trên đối với trường hợp lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực, để được hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012, nên không cần phải có văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng. Do đó lao động nữ sinh con mà đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 240 Bộ luật lao động năm 2012 thì đương nhiên được nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con là 6 tháng.
Theo Điều 34 Luật BHXH: lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung cho mỗi con.
Theo quy định tại Điều 35 Luật BHXH, mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau: Người lao động hưởng chế độ thai sản khi sinh con theo quy định tại Điều 30 của Luật BHXH thì mức hưởng bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Theo Điều 17 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22-12-2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo khoản 1 Điều 37 Luật BHXH như sau:
1. Lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con quy định tại Điều 31 Luật BHXH mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
2. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc ban chấp hành công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 2 con trở lên;b) Tối đa 7 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật;c) Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe một ngày:
a) Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; b) Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại, tiền ăn và ở.
Vậy chiếu theo quy định nêu trên, khi sinh con bạn được:
1. Trợ cấp một lần bằng hai tháng lương tối thiểu chung;
2. Bạn được hưởng chế độ thai sản là 6 tháng x 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
3. Ngoài ra, sau thời gian hưởng chế độ khi sinh con theo quy định tại Điều 31 Luật BHXH mà sức khỏe của bạn còn yếu, bạn còn được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe, với mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe như nêu trên.
Thư Viện Pháp Luật