Các khoản chi nào của lực lượng xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện đấu thầu?
Điều 11 Thông tư 153/2013/TT-BTC quy định:
1. Các khoản chi chung
a) Chi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tài chính- Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
b) Chi công tác phí, chi hội nghị sơ kết, tổng kết, tập huấn công tác xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Chi mua sắm trang thiết bị, sửa chữa công cụ, phương tiện phục vụ trực tiếp cho hoạt động của các lực lượng xử phạt theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định và thực hiện đấu thầu mua sắm theo quy định tại Thông tư số 68/2012/TT-BTC ngày 26/4/2012 của Bộ Tài chính quy định việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân;
Lưu ý: Hiện nay, Thông tư 68/2012/TT-BTC đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bằng Thông tư 58/2016/TT-BTC
d) Chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ, dẫn giải, bảo vệ đối tượng và tang vật vi phạm; chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm, in ấn tài liệu phục vụ cho hoạt động của các lực lượng xử phạt: Thực hiện theo chứng từ chi thực tế, theo hợp đồng của đơn vị cung ứng. Các nội dung chi nêu trên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện;
đ) Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;
e) Chi bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Các khoản chi đặc thù
a) Chi phí mua tin (nếu có):
- Mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và tối đa không quá 5.000.000 đồng. Riêng đối với xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mức mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và mức tối đa không quá 50.000.000 đồng.
- Trường hợp trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính không ra quyết định xử phạt, không bán được tang vật tịch thu do tiêu hủy tang vật, chuyển tài sản cho các cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính thì chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và tối đa không quá 5.000.000 đồng; đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và mức tối đa không quá 50.000.000 đồng. Cách xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả
Lưu ý: Quy định mức chi mua tin trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại Điểm này bị bãi bỏ bởi Khoản 2 Điều 7 Thông tư 16/2017/TT-BTC
b) Chi phụ cấp cho lực lượng trực tiếp xử phạt theo chính sách chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu có).
Như vậy thì tùy theo từng hạng mục chi sẽ có hướng dẫn thực hiện theo quy định nêu trên. Và chỉ có chi mua sắm trang thiết bị, sửa chữa công cụ, phương tiện phục vụ trực tiếp cho hoạt động của lực lượng xử phạt thì mới thực hiện đấu thầu mua sắm, các khoản chi khác thì không thực hiện đấu thầu.
Ban biên tập thông tin đến Anh/Chị!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật