Tiêu chuẩn nghiệp vụ của trưởng phòng đánh máy chữ trong cơ quan nhà nước
Tiêu chuẩn nghiệp vụ của trưởng phòng đánh máy chữ trong cơ quan nhà nước được quy định tại Tiêu chuẩn nghiệp vụ của một số chức danh viên chức nhà nước do Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành kèm theo Quyết định 21-LĐ/QĐ năm 1983 như sau:
1. Chức trách:
- Chỉ đạo công tác đánh máy trong phòng. Nhận và phân phối các tài liệu đánh máy cho nhân viên. Bồi dưỡng nghiệp vụ đánh máy, can, in, sao, chụp và soát các tài liệu đánh máy cho nhân viên trong phòng.
- Quản lý nhân viên trong phòng.
- Bảo quản máy móc, trang bị của phòng, cung cấp vật liệu đánh máy để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Theo dõi tình trạng máy chữ, máy in, sao và chụp để phát hiện và tìm biện pháp sửa chữa khi bị hư hỏng.
- Lập chương trình công tác, đăng ký thi đua, tổ chức và chỉ đạo phong trào thi đua trong phòng. Sơ kết và tổng kết công tác hàng tháng, quý, năm của phòng.
- Đánh máy một số văn bản tuyệt mật hoặc yêu cầu kỹ thuật cao.
- Giữ bí mật các tài liệu đánh máy của phòng.
2. Phải biết:
- Kỹ thuật đánh máy, can, in, sao, chụp tài liệu.
- Nguyên tắc vận hành, bảo dưỡng các máy in, sao, chụp tài liệu.
- Quy tắc trình bày các loại văn bản, quy tắc chính tả, ngắt câu.
- Đọc chính xác các loại văn bản gốc viết tay.
- Phải biết lãnh đạo, quản lý nhân viên văn phòng.
3. Yêu cầu trình độ nghiệp vụ:
Tốt nghiệp phổ thông trung học; tốt nghiệp lớp đánh máy chữ theo chương trình quy định (phương pháp 10 ngón), có thâm niên công tác đánh máy ít nhất là 5 năm.
Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của trưởng phòng đánh máy chữ trong cơ quan nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 21-LĐ/QĐ năm 1983.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật