Tiêu chuẩn nghiệp vụ của nhân viên bảo vệ trong cơ quan nhà nước
Tiêu chuẩn nghiệp vụ của nhân viên bảo vệ trong cơ quan nhà nước được quy định tại Tiêu chuẩn nghiệp vụ của một số chức danh viên chức nhà nước do Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành kèm theo Quyết định 21-LĐ/QĐ năm 1983 như sau:
1. Chức trách:
Thường trực để bảo vệ tại cổng nhằm bảo đảm an toàn, trật tự ra, vào cơ quan, xí nghiệp theo đúng nội quy đề ra, cụ thể:
- Kiểm tra giấy tờ, hướng dẫn người và các phương tiện vận tải ra vào cổng theo đúng thủ tục của cơ quan, xí nghiệp quy định. Không cho người, các phương tiện vận tải và đưa các chất nổ hoặc vũ khí ra vào không đúng thủ tục (kể cả cán bộ và công nhân viên của cơ quan, xí nghiệp mình).
- Ghi vào sổ thường trực nội dung giấy giới thiệu và đơn vị khách cần đến giao dịch.
- Nhận và giao ca thường trực đúng quy định của từng cơ quan, xí nghiệp.
- Liên hệ chặt chẽ với tự vệ cơ quan, xí nghiệp mình và với các cơ quan, xí nghiệp lân cận, hoặc công an khu vực để hợp đồng công tác khi cần thiết.
- Bảo quản các phương tiện làm việc của phòng như đồng hồ, điện thoại, v.v…
2. Phải biết:
- Nội quy bảo vệ của cơ quan, xí nghiệp.
- Thủ tục kiểm tra giấy tờ của khách và một số nguyên tắc cấp, ký giấy của các cơ quan, xí nghiệp Nhà nước.
- Vị trí làm việc và số điện thoại (nếu có) của các đơn vị trong cơ quan, xí nghiệp.
- Những quy định về phòng gian, bảo mật của Nhà nước.
- Biết sử dụng vũ khí (nếu được trang bị).
- Giữ thái độ lịch thiệp, nhã nhặn khi tiếp khách.
3. Yêu cầu trình độ nghiệp vụ:
Tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Được hướng dẫn nội dung công việc trước khi nhận nhiệm vụ. Thâm niên công tác trong các cơ quan, xí nghiệp ít nhất là 6 tháng.
Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của nhân viên bảo vệ trong cơ quan nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 21-LĐ/QĐ năm 1983.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật