Tiêu chuẩn nghiệp vụ của nhân viên văn thư trong cơ quan nhà nước
Tiêu chuẩn nghiệp vụ của nhân viên văn thư trong cơ quan nhà nước được quy định tại Tiêu chuẩn nghiệp vụ của một số chức danh viên chức nhà nước do Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành kèm theo Quyết định 21-LĐ/QĐ năm 1983 như sau:
1. Chức trách:
Đảm nhiệm một phần công tác quản lý công văn, giấy tờ ở phòng hành chính; nhân viên văn thư có những nhiệm vụ sau đây:
- Nhận, đăng ký, chuyển giao công văn “đi”, “đến” , xem xét những sai sót về thủ tục hành chính của các công văn, giấy tờ đó.
- Quản lý con dấu của cơ quan, xí nghiệp. Căn cứ vào đơn vị, nội dung các văn bản, để đóng dấu thích hợp.
- Viết giấy giới thiệu công tác, giấy đi đường cho cán bộ, công nhân viên trong đơn vị và cho khách đến cơ quan, xí nghiệp mình giao dịch công tác.
- Sắp xếp các hồ sơ và phục vụ tra cứu trong thời gian lưu văn thư.
- Thu thập các hồ sơ, tài liệu hiện hành để bàn giao cho lưu trữ.
- Giữ bí mật các công văn, giấy tờ.
2. Phải biết:
- Các văn bản pháp quy quy định về công tác công văn, giấy tờ.
- Các bản hướng dẫn, chỉ dẫn về đăng ký công văn và lập hồ sơ của cơ quan chủ quản ngành.
- Cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác giữa các đơn vị trong cơ quan; và các cơ quan cấp trên, cấp dưới.
- Thể lệ gửi công văn, đánh điện tín, cước phí và địa điểm cần giao dịch.
- Viết chữ đẹp, rõ ràng.
3. Yêu cầu trình độ nghiệp vụ:
Tốt nghiệp phổ thông cơ sở. Đã qua một lớp nghiệp vụ về công tác văn thư, hoặc đã qua kèm cặp về công tác văn thư ít nhất là 1 năm.
Trên đây là nội dung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ của nhân viên văn thư trong cơ quan nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 21-LĐ/QĐ năm 1983.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật