Tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo pháp lệnh 1989
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 1989 do Hội đồng Nhà nước ban hành có quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính như sau:
1- Việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần thu thập, xác minh những tình tiết quan trọng làm căn cứ để quyết định xử phạt vi phạm hành chính ;
b) Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng.
2- Những người được quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính là :
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã và thị trấn ; Trưởng Công an phường ; Trưởng hoặc Phó trưởng Công an cấp huyện ; Trưởng phòng, Phó trưởng phòng nghiệp vụ của Công an cấp tỉnh; thủ trưởng, phó thủ trưởng đơn vị cảnh sát cơ động ; hạt trưởng hạt kiểm lâm ; thủ trưởng đơn vị Hải quan ở biên giới, cửa khẩu;
b) Chỉ huy đồn biên phòng và đơn vị bộ đội biên phòng đóng ở biên giới, hải đảo ;
c) Người chỉ huy máy bay, tàu biển, khi máy bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
3- Theo yêu cầu của người bị tạm giữ, cơ quan Nhà nước, người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho người thân trong gia đình, cơ quan nơi làm việc hoặc học tập của họ biết. Khi tạm giữ người chưa thành niên vi phạm hành chính trên sáu giờ thì nhất thiết phải thông báo cho cha mẹ hay người giám hộ của họ biết.
Thời hạn giữ người vi phạm hành chính không được quá mười hai giờ, trong trường hợp cần thiết, thời gian giữ có thể kéo dài hơn, nhưng không quá hai mươi bốn giờ, kể từ thời điểm giữ người vi phạm.
Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc thực hiện vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn, nhưng không quá bốn tám giờ.
4- Mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật