Không ký HĐLĐ, có được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc?
- Theo điều 32 BLLĐ, điều 7 nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ về hợp đồng lao động), người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) thỏa thuận về việc làm thử, thời gian thử việc, về quyền và nghĩa vụ của hai bên.
Thời gian thử việc không được quá 60 ngày đối với lao động chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ và không được quá 60 ngày đối với lao động khác.
Khoản 4 điều 7 nghị định 44/2003/NĐ-CP quy định: hết thời gian thử việc, NSDLĐ thông báo kết quả làm thử cho NLĐ. Nếu đạt yêu cầu, hai bên phải tiến hành ký kết hợp đồng lao động hoặc NLĐ không được thông báo mà vẫn tiếp tục làm việc thì người đó đương nhiên được làm việc chính thức.
Theo quy định nêu trên, đối chiếu với trường hợp bạn nêu thì giữa bạn và công ty đã xác lập hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Vậy căn cứ theo quy định trên, chính sách của công ty là sau một năm làm việc mới ký hợp đồng lao động đối với NLĐ là trái với quy định của pháp luật lao động.
Điều 74 BLLĐ quy định: NLĐ có 12 tháng làm việc tại một doanh nghiệp thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo quy định như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
Khoản 2 điều 77 BLLĐ quy định: NLĐ có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỉ lệ tương ứng với số thời gian làm việc và có thể được thanh toán bằng tiền.
Theo khoản 2 phần II thông tư số: 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22-9-2003 của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ về hợp đồng lao động: hợp đồng lao động ký với người làm việc dưới ba tháng thì ngoài tiền lương theo cấp bậc công việc, NLĐ còn được NSDLĐ thanh toán các khoản sau:
- Bảo hiểm xã hội = 15%;- Bảo hiểm y tế = 2%;- Nghỉ hàng năm = 4%- Tiền tàu xe đi lại khi nghỉ phép do hai bên thỏa thuận không thấp hơn 9%.
Tỉ lệ phần trăm nêu trên được tính so với tiền lương theo hợp đồng lao động.
Theo quy định tại điều 42 BLLĐ, khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, NSDLĐ có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương cộng với phụ cấp lương (nếu có).
Vậy chiếu theo các quy định trên, khi bạn nghỉ việc công ty phải có trách nhiệm thanh toán cho bạn:
1. Tiền nghỉ hằng năm tương ứng thời gian bạn làm việc tại công ty (1 tháng làm việc được tính 1 ngày);
2. Tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (mức hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội).
Do bạn làm việc tại công ty chưa đủ 12 tháng nên bạn không được công ty trả tiền trợ cấp thôi việc.
Theo quy định tại khoản 3 điều 37 BLLĐ, khi NLĐ làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày. Do đó khi nghỉ việc, bạn cần báo trước cho công ty biết trước ít nhất 45 ngày.
Theo điều 63 BLLĐ: các chế độ phụ cấp, tiền thưởng, nâng bậc lương, các chế độ khuyến khích khác có thể được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước tập thể hoặc quy định trong quy chế của doanh nghiệp.
Điều 64 BLLĐ quy định như sau: căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ, NSDLĐ thưởng cho NLĐ làm việc tại doanh nghiệp. Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định sau khi tham khảo ý kiến ban chấp hành công đoàn cơ sở.
Do vậy việc bạn có được công ty thưởng tiền lương tháng 13 hay không phải căn cứ vào quy chế thưởng do công ty ban hành.
Thư Viện Pháp Luật