Có được góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ hay không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.
Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập, góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Trừ trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam được quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014.
Tại Khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định như sau:
"Điều 35. Tài sản góp vốn
1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam."
Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì tài sản góp vốn của các tổ chức, cá nhân khi thành lập doanh nghiệp có thể là Đồng Việt Nam và các tài sản có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Trong đó, bao gồm giá trị quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.
Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Trong đó, quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sáng chế được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: có tính mới; có trình độ sáng tạo; có khả năng áp dụng công nghiệp.
Như vậy: Căn cứ thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì sáng chế của bạn đã được Nhà nước cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ở đây được xác định là bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế. Đông nghĩa với được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Do đó, bạn được sử dụng giá trị quyền sở hữu sáng chế (theo Bằng độc quyền sáng chế) của mình để góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Lưu ý: Giá trị quyền sở hữu sáng chế (theo Bằng độc quyền sáng chế) được định giá theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2014.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật