Nguyên tắc hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa (có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2018) thì nguyên tắc hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa được quy định cụ thể như sau:
1. Hoạt động nạo vét phải tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn cộng đồng dân cư, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai, phòng chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông và không ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng hàng hải, giao thông đường thủy nội địa và các công trình khác.
2. Không thực hiện các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa mà các hoạt động đó có thể gây cản trở hoạt động tránh trú của tàu thuyền vào mùa lũ lụt, khi có thiên tai xảy ra.
3. Trước khi tiến hành hoạt động nạo vét, đơn vị thi công nạo vét thông báo kế hoạch triển khai thực hiện (thời gian, tiến độ thi công, quy mô công trình, chủng loại và số lượng phương tiện thi công, hình thức thực hiện) đến cơ quan quản lý chuyên ngành (Cảng vụ Hàng hải khu vực, cơ quan quản lý đường thủy nội địa khu vực), chính quyền địa phương nơi có công trình và có bảng niêm yết tại công trường trong suốt quá trình thi công. Bảng niêm yết thể hiện các nội dung về cơ quan phê duyệt, chủ đầu tư, nhà đầu tư, tổ chức tư vấn giám sát, đơn vị thi công, quy mô công trình, tiến độ thi công, thời gian bắt đầu thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn thực hiện, hình thức thực hiện.
4. Các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Trường hợp các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa có đê còn phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý; đối với dự án nạo vét cơ bản ở các tuyến đường thủy nội địa có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt hoặc thuộc địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, phải lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt dự án.
5. Chất nạo vét phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật