Bằng cấp của trường nước ngoài nào không được công nhận tại Việt Nam?
Theo quy định tại Điều 3 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT năm 2018 thì văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp sau đây:
- Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng;
- Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên; (Người có văn bằng thuộc trường hợp này không phải làm thủ tục công nhận văn bằng)
- Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.
Như vậy, văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp không thuộc các trường hợp nêu trên thì không được công nhận tại Việt Nam.
Hồ sơ công nhận văn bằng được quy định tại Điều 6 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT năm 2018 bao gồm:
- Đơn đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp;
- Một (01) bản sao văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;
- Một (01) bản sao kết quả quá trình học tập tại cơ sở giáo dục nước ngoài kèm theo bản dịch ra tiếng Việt được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Ngoài các giấy tờ nêu trên thì người có văn bằng (đã học ở nước ngoài) cần gửi kèm theo hồ sơ minh chứng thời gian học ở nước ngoài, gồm một trong các tài liệu liên quan sau: xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; bản sao hợp lệ hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh; minh chứng đã đăng ký vào Hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý lưu học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lưu ý: Hồ sơ phải còn nguyên vẹn, không bị tẩy xóa, không bị hủy hoại bởi các yếu tố thời tiết, khí hậu hoặc bất kỳ một lý do nào khác.
Nộp hồ sơ công nhận văn bằng ở đâu?
- Đối với bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông: Gửi 02 bộ hồ sơ đến Sở giáo dục và đào tạo. Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét công nhận văn bằng cho người đề nghị đương sự, nếu văn bằng không được công nhận phải trả lời bằng văn bản cho đương sự.
- Đối với bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ: Gửi 02 bộ hồ sơ đến Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Trong thời gian không quá 30 ngày làm việc, Cục Quản lý chất lượng phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét xử lý hồ sơ để công nhận văn bằng phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam, nếu văn bằng đề nghị công nhận không phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam, Cục Quản lý chất lượng trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng, cung cấp thêm thông tin và công nhận giá trị thực tế của văn bằng trong hệ thống giáo dục của nước cấp bằng. Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện để được công nhận, Cục Quản lý chất lượng trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng nêu rõ lý do không công nhận.
Ban biên tập thông tin đến bạn!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật