Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Có những quy định trong các văn bản cũ thật sự rất khó khăn để tìm kiếm, Ban biên tập có thể giúp tôi tìm quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong giai đoạn từ năm 2003 - 2012 có được không? Xin cảm ơn Việt Trung - Hà Nội

Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định tại Điều 61 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 như sau: (Điều này được sửa đổi bởi Khoản 25 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008)

1. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu thì người quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan trung ương ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để bán đấu giá.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu thì giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh nơi cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu đóng trụ sở để bán đấu giá.

Trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do người có thẩm quyền của cơ quan cấp huyện trở xuống ra quyết định tịch thu thì thành lập Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện để bán đấu giá.

Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.

Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu mà không bán được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu thành lập hội đồng để thanh lý tài sản theo quy định của pháp luật.

Tiền thu được từ bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, sau khi trừ các chi phí theo quy định của pháp luật, phải được nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc nhà nước.

2. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là văn hoá phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng bị buộc tiêu huỷ hoặc tang vật, phương tiện bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng thì người có thẩm quyền phải lập Hội đồng xử lý để tiêu huỷ. Tuỳ thuộc vào tính chất của tang vật, phương tiện, thành phần Hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc tiêu huỷ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được lập biên bản có chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý.

Đối với hàng hoá, vật phẩm, phương tiện bị buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc bị buộc tái xuất, thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn ghi trong quyết định xử phạt.

3. Đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu phải tiến hành lập biên bản và tổ chức bán ngay. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc nhà nước. Nếu sau đó theo quyết định của người có thẩm quyền, tang vật đó bị tịch thu thì tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước; trong trường hợp tang vật đó không bị tịch thu thì tiền thu được phải trả cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ tang vật, phương tiện quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu; trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo được niêm yết công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.

6. Chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các khoản chi phí khác phù hợp với quy định của pháp luật được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Không thu phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ nếu chủ tang vật, phương tiện không có lỗi trong việc vi phạm hành chính hoặc không áp dụng biện pháp tịch thu đối với tang vật, phương tiện.

7. Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 46 của Pháp lệnh này.

Trong trường hợp người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được thông báo đến nhận lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ mà không đến nhận đúng thời hạn thông báo thì phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm và các khoản chi phí khác cho thời gian vượt quá thời hạn thông báo, trừ trường hợp có lý do chính đáng; nếu quá thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo thông báo mà người có tang vật, phương tiện không đến nhận thì tang vật, phương tiện đó được xử lý theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Trên đây là nội dung quy định về việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào