Có được giữ tiền, tài sản của người lao động hay không?

Em có nộp hồ sơ xin làm phục vụ cho một nhà hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hôm qua, nhà hàng có gọi và kêu em lên phỏng vấn. Mọi việc đều diễn ra tốt đẹp cho đến khi nhà hàng yêu cầu em phải nộp một khoản tiền ký quỹ để đảm bảo em làm việc đúng theo những gì đã thỏa thuận (đến khi hết thời hạn làm theo thỏa thuận thì họ sẽ trả lại số tiền đó cho em). Em chỉ làm thời vụ 2 tháng không học nên không có ký hợp đồng, chỉ thỏa thuận miệng. Nhưng em đang rất phân vân ạ. Anh chị có thể giúp đỡ cho em được không ạ? Em phải làm thế nào và nhà hàng có được làm vậy không ạ?

Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Khoản 1 Điều 18 Bộ luật lao động 2012 thì trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Trong đó, hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Bộ luật lao động 2012 thì trường hợp đối với các công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Do đó: Việc bạn chỉ làm công việc thời vụ tại nhà hàng trong thời hạn 2 tháng thì không thuộc trường hợp bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản, mà có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

"Điều 20. Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động."

Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng laod dộng, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy: Việc nhà hàng yêu cầu bạn phải nộp khoản tiền ký quỹ để đảm bảo bạn làm việc đúng theo đúng thỏa thuận làm việc là vi phạm điều cấm của pháp luật về lao động.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP thì nhà hàng có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi trên.

Do đó: Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn nên thỏa thuận lại với nhà hàng về các thông tin trên, và yêu cầu nhà hàng không thực hiện việc yêu cầu bạn phải nộp khoản tiền ký quỹ trên. Trường hợp nhà hàng không đồng ý thì bạn có thể tìm một công việc khác.

Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào