Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đơn giản

Trước khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được quy định như thế nào? Dưới tên gọi là gì? Mong Ban biên tập hướng dẫn, xin cảm ơn  Thùy Trang - Bình Dương

Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đơn giản được quy định tại Điều 54 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 như sau: (Điều này được sửa đổi bởi Khoản 21 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008)

Trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt quyết định xử phạt tại chỗ. Việc xử phạt tại chỗ không phải lập biên bản, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.

Quyết định xử phạt phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Quyết định này phải được giao cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt một bản. Trong trường hợp người chưa thành niên bị phạt cảnh cáo thì quyết định xử phạt cảnh cáo còn được gửi cho cha mẹ, người giám hộ của người đó hoặc nhà trường nơi người chưa thành niên vi phạm đang học tập.

Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt. Cá nhân, tổ chức vi phạm có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt phải giao biên lai thu tiền phạt cho người bị xử phạt.

Trên đây là nội dung quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đơn giản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào