Xác định ngày báo trước khi nghỉ việc
Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
Như vậy, về nguyên tắc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng người lao động phải báo trước ít nhất 30 ngày.
Xác định ngày báo trước như thế nào cho đúng?
Trước đây Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH (đã hết hiệu lực) hướng dẫn thi hành Nghị định 44/2003/NĐ-CP về hợp đồng lao động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành có quy định:
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 37 hoặc Điều 38 của Bộ Luật Lao động, thì bên có quyền đơn phương phải thực hiện việc báo trước cho bên kia bằng văn bản. Số ngày báo trước của người lao động được qui định tại khoản 2, khoản 3 Điều 37; của người sử dụng lao động tại khoản 3 Điều 38 của Bộ Luật Lao động. Số ngày báo trước là ngày làm việc.
Hiện nay, Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH thay thế Thông tư 21/2003/TT-BLĐTBXH không có quy định về nội dung này. Do đó, trên thực tế các doanh nghiệp vẫn coi 30 ngày báo trước là ngày bình thường, không tính theo ngày làm việc.
Trân trọng!