Thủ tục thuận tình ly hôn và nhập hộ khẩu về nhà ngoại

Chào Luật sư. Em muốn ly hôn thuận tình với chồng em và nhập hộ khẩu về nhà ngoại thì có làm được không? Mong sớm nhận được phản hồi!

Đối với vấn đề thuận tình ly hôn: 

Điều 55 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Theo Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn được xác định là việc dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Thủ tục giải quyết thuận tình ly hôn thực hiện theo Chương XXIII Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Bước 1: Nộp hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại Tòa án cấp huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng.

Bước 2: Nộp lệ phí và thụ lý vụ án.

Bước 3: Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu và mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.

Bước 4: Toà án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

Đối với vấn đề chuyển hộ khẩu về nhà ngoại sau ly hôn: 

Khi bạn muốn thực hiện thủ tục nhập hộ khẩu nhà ngoại thì cần thực hiện theo quy định tại Luật Cư trú 2006 và phải được sự đồng ý của chủ hộ nơi chuyển đến.

Điều 21 Luật Cư trú 2006 quy định thủ tục đăng ký thường trú như sau:

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc thuận tình ly hôn và nhập hộ khẩu về nhà ngoại sau khi ly hôn.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thuận tình ly hôn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào