Khi nào thì được áp dụng Thuế chống bán phá giá?
Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 12 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định thuế chống bán phá giá được áp dụng khi:
- Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;
- Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Cùng với đó, nguyên tắc áp dụng thuế chống bán phá giá được quy định tại Luật này như sau:
- Thuế chống bán phá giá chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết, hợp lý nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước;
- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá được thực hiện khi đã tiến hành Điều tra và phải căn cứ vào kết luận Điều tra theo quy định của pháp luật;
- Thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa bán phá giá vào Việt Nam;
- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế - xã hội trong nước.
Trên đây là nội dung trả lời về điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật