Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cơ quan thi hành án dân sự

Em đang là sinh viên Đại học Huế, em đang học môn Pháp luật đại cương. Anh chị có thể giải đáp giúp em thắc mắc này được không, cho em hỏi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cơ quan thi hành án dân sự được quy định như thế nào? Em cảm ơn anh chị  Đức Phúc (phuc***@gmail.com)

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cơ quan thi hành án dân sự được quy định tại Điều 49 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

1. Chấp hành viên thi hành án dân sự đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

3. Chấp hành viên thi hành án dân sự là Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của vụ việc phá sản có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

4. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Trưởng phòng Phòng Thi hành án cấp quân khu có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

5. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thi hành án dân sự quy định tại Điều 24 của Luật này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Trên đây là nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cơ quan thi hành án dân sự. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào