Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành được quy định tại Điều 38 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 như sau: (Điều này được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008)
1. Thanh tra viên chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này, trừ biện pháp buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
2. Chánh thanh tra chuyên ngành cấp sở có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.
3. Chánh thanh tra chuyên ngành bộ, cơ quan ngang bộ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.
Trên đây là nội dung quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật