Nhà để thờ tự có được bán không?
Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
"1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
2. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng."
==> Như vậy, theo quy định trên đây thì ngôi nhà mà bà bạn để lại sẽ không được chia thừa kế mà sẽ được dùng vào việc thờ cúng theo nguyện ý của bà bạn. Nếu trong di chúc của bà bạn có chỉ rõ người quản lý ngôi nhà này thì ngôi nhà này được giao cho người quản lý thực hiện việc thờ cúng. Nếu không có nêu rõ người quản lý thì các thành viên trong gia đình bạn thỏa thuận và cử ra người quản lý thực hiện việc thờ cúng. Những người thừa kế có thể thỏa thuận cử ra một người đại diện đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được sử dụng vào mục đích thờ cúng; hoặc đề nghị về người quản lý di sản hoặc tất cả những người thừa kế đều cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp này, dù ai đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì họ cũng không có quyền bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với tài sản này khi nội dung di chúc thể hiện nhà này dùng vào mục đích thờ cúng.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật