Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử như thế nào?
Tại Điều 5 Nghị định 27/2007/NĐ-CP quy định giá trị pháp lý của chứng từ điện tử như sau:
- Hình thức thể hiện, việc gửi, nhận, lưu trữ và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử.
- Chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính phải đáp ứng đủ các yêu cầu về quản lý Nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật đối với các chuyên ngành về tài chính.
- Chứng từ điện tử phải có đủ chữ ký điện tử của những người có trách nhiệm ký chứng từ điện tử.
- Trường hợp chứng từ điện tử chỉ có chữ ký của người có thẩm quyền thì hệ thống thông tin phải có khả năng nhận biết và xác nhận việc đã xử lý của những người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong quá trình luân chuyển chứng từ điện tử đến người ký cuối cùng.
Tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 32/2011/TT-BTC quy định Hóa đơn điện tử có giá trị pháp lý nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
- Có sự đảm bảo đủ tin cậy về tính toàn vẹn của thông tin chứa trong hóa đơn điện tử từ khi thông tin được tạo ra ở dạng cuối cùng là hóa đơn điện tử.
Tiêu chí đánh giá tính toàn vẹn là thông tin còn đầy đủ và chưa bị thay đổi, ngoài những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình trao đổi, lưu trữ hoặc hiển thị hóa đơn điện tử.
- Thông tin chứa trong hóa đơn điện tử có thể truy cập, sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
Trên đây là giá trị pháp lý của chứng từ hóa đơn và điều kiện có giá trị pháp lý của hóa đơn điện tử.
Trân trọng!
Hồ Văn Ngọc