Quy định về đề án thành lập tổ chức hành chính
Theo quy định mới nhất hiện nay thì tổ chức hành chính là tổ chức được giao chức năng tham mưu giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc tổ chức thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực hoặc tham mưu về công tác quản trị nội bộ của cơ quan, tổ chức và được thành lập theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập tổ chức hành chính được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện tương ứng của pháp luật và đồng thời phải có đề án thành lập tổ chức hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 158/2018/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 10/01/2019) thì đề án thành lập tổ chức hành chính do cơ quan, tổ chức đề nghị thành lập xây dựng, trình cơ quan hoặc người có thẩm quyền xem xét, quyết định thành lập.
Đề án thành lập tổ chức hành chính phải bao gồm các nội dung sau đây:
- Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;
- Mục tiêu, phạm vi, đối tượng quản lý;
- Loại hình và tên gọi của tổ chức hành chính;
- Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức;
- Báo cáo giải trình về việc đáp ứng các tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của pháp luật;
- Dự kiến vị trí việc làm, biên chế công chức theo vị trí việc làm, cơ cấu công chức theo ngạch, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; có trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện làm việc và cơ chế tài chính cần thiết để bảo đảm cho tổ chức hành chính hoạt động sau khi được thành lập;
- Phương án thành lập và lộ trình triển khai hoạt động của tổ chức hành chính;
- Kiến nghị của cơ quan, tổ chức xây dựng đề án thành lập tổ chức hành chính (nếu có);
- Các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật