Đang xử phúc thẩm vụ án hình sự mà bị cáo chết thì xử lý thế nào?
Đang xử phúc thẩm vụ án hình sự mà bị cáo chết thì xử lý thế nào?
Về vấn đề này của bạn thì tại Phần I Thông tư liên tịch 03/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị cáo đã chết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm do Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành có quy định như sau:
"I. VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG
Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, nếu bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị đã chết, thì theo quy định tại các Điều 220 và 223 Chương XXIII "Xét xử phúc thẩm" của Bộ luật tố tụng hình sự, Toà án cấp phúc thẩm vẫn phải mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án. Thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm phải theo đúng quy định tại Điều 216 và những người tham gia phiên toà phúc thẩm (trừ bị cáo đã chết) phải theo đúng quy định tại Điều 217 Bộ luật tố tụng hình sự. Kết thúc việc xét xử, Toà án cấp phúc thẩm phải ra bản án phúc thẩm."
Như vậy, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự mà bị cáo chết thì Toà án cấp phúc thẩm vẫn phải mở phiên toà phúc thẩm xét xử vụ án bạn nhé.
Còn đối với các quy định tại Điều 220 và 223 Chương XXIII và Điều 216, Điều 217 Bộ luật Tố tụng hình sự 1988 thì theo thời gian đã được thay thế lần lượt bởi các Điều 355, Điều 359 , Điều 254, Khoản 1 Điều 350 và Điều 351 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Cụ thể, tại các Điều này có quy định như sau:
"Điều 355. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:
a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm;
b) Sửa bản án sơ thẩm;
c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại;
d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;
đ) Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
2. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án."
"Điều 359. Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án."
Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trường hợp bị cáo chết là một trong những căn cứ để Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án theo Điều 359 nêu trên.
Trên đây là nội dung trả lời về việc giải quyết khi bị cáo chết mà đang trong thời gian xét xử phúc thẩm. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Thông tư liên tịch 03/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC, Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật