Đảm bảo an toàn khi thi công xúc, gạt trong khai thác khoáng sản
Đảm bảo an toàn khi thi công xúc, gạt trong khai thác đá được quy định quy định tại Điều 11 Thông tư 02/2012/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn lao động trong khai thác và chế biến đá do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, cụ thể như sau:
1. Việc sử dụng máy, thiết bị phải theo đúng quy trình kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật an toàn hiện hành. Không được sử dụng các máy, thiết bị không đảm bảo an toàn theo quy định tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động.
2. Thợ lái máy xúc, máy gạt phải có đủ các tiêu chuẩn sau:
2.1. Có giấy chứng nhận đủ sức khỏe để điều khiển máy do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp;
2.2. Đã được đào tạo và có chứng chỉ sử dụng về các loại máy này do các tổ chức đào tạo có thẩm quyền cấp;
2.3. Có giấy chứng nhận đã học tập và kiểm tra đạt yêu cầu về kỹ thuật an toàn.
3. Yêu cầu an toàn khi sử dụng máy xúc
3.1. Máy xúc phải được trang bị đầy đủ hệ thống tín hiệu (còi, đèn chiếu sáng). Trước khi làm việc, thợ lái phải báo hiệu cho mọi người xung quanh biết. Không được để người đứng trong phạm vi bán kính hoạt động của máy (kể cả phạm vi bán kính quay của đối trọng).
3.2. Cấm để máy xúc làm việc dưới chân những tầng cao hơn chiều cao quy định, tầng có hàm ếch hoặc tầng có người làm việc và có nhiều đá quá cỡ dễ sụt lở.
3.3. Thợ lái máy phải thường xuyên chú ý tới vách đất đá đang xúc. Nếu có hiện tượng sụt lở thì phải di chuyển máy ra nơi an toàn và báo cáo cho cán bộ chỉ huy trực tiếp biết để có biện pháp xử lý. Phải có đường để máy có thể di chuyển tới vị trí an toàn.
3.4. Khi đổ đất, đá lên xe ô tô, cấm:
3.4.1. Di chuyển gầu xúc qua phía trên buồng lái;
3.4.2. Để khoảng cách từ gầu xúc đến đáy thùng hoặc đến bề mặt đất đá trên xe lớn hơn 1m;
3.4.3. Để gầu xúc va đập vào thùng xe.
3.5. Khi ô tô không có tấm chắn bảo vệ phía trên buồng lái, lái xe phải ra khỏi buồng lái và đứng ngoài bán kính quay của máy xúc. Khi máy xúc đã xúc đầy xe ô tô thì người điều khiển máy xúc phải báo hiệu cho lái xe ô tô biết.
3.6. Khoảng cách giữa hai máy xúc làm việc trên cùng một tầng không được nhỏ hơn tổng bán kính hoạt động lớn nhất của hai máy cộng thêm 2m.
Cấm bố trí đồng thời một máy xúc làm tầng trên, một máy xúc làm tầng dưới trên cùng một tuyến.
3.7. Chiều dài cáp mềm cấp điện cho máy xúc không được vượt quá 200 m, phải có giá đỡ cáp không để cấp tiếp xúc với đất đá, Cấm:
3.7.1. Dùng gầu máy xúc di chuyển cáp điện;
3.7.2. Đặt cáp trên bùn, đất ẩm ướt hoặc cho các phương tiện vận tải đi đè lên;
3.7.3. Di chuyển gầu xúc phía trên dây cáp điện. Nếu không tránh được thì phải có biện pháp bảo vệ dây cáp điện khỏi bị đá rơi dập, vỡ.
3.8. Cấm để máy xúc đứng hoặc di chuyển dưới đường dây tải điện mà khoảng cách từ bất kỳ một điểm nào của máy xúc đến dây dẫn điện nhỏ hơn:
- 1,5 m đối với đường dây có điện áp đến 1 KV;
- 2m đối với đường dây có điện áp lớn hơn 1 KV - 20 KV;
- 4m đối với đường dây có điện áp 35 - 110 KV;
- 6m đối với đường dây có điện áp 220 KV trở lên.
3.9. Cấm di chuyển máy xúc ở những đoạn đường có độ dốc lớn hơn độ dốc do nhà chế tạo quy định.
3.10. Cấm bảo dưỡng hoặc sửa chữa khi máy đang làm việc. Trước khi sửa chữa phải hạ gầu xuống đất.
3.11. Khi ngừng làm việc phải đưa máy đến vị trí an toàn và hạ gầu xuống đất.
Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.
Thư Viện Pháp Luật