Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Công an nhân dân
Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Công an nhân dân được quy định tại Điều 31 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 như sau: (Điều này được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008)
1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 200.000 đồng.
2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
3. Trưởng Công an cấp xã được áp dụng các hình thức xử lý vi phạm hành chính quy định tại Điều 28 của Pháp lệnh này, trừ quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
4. Trưởng Công an cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.
5. Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Trưởng phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.
6. Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này;
e) Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công an.
7. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 14 của Pháp lệnh này;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b và d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh này.
8. Cục trưởng Cục Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 7 Điều này và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công an.
9. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Trên đây là nội dung quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Công an nhân dân. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn nên tham khảo thêm tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật