Làm chưa đủ năm, công ty không tính ngày phép có đúng?
- Trước hết bạn phải xem kỹ lại nội dung hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà bạn đã ký kết với công ty về thỏa thuận thời giờ làm việc và nghỉ ngơi. Nếu HĐLĐ không đề cập đến thì được hiểu là các bên sẽ tuân thủ theo quy định của Bộ luật lao động (BLLĐ).
Điều 111 BLLĐ quy định như sau: người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo HĐLĐ với thời gian từ 12 ngày (người làm công việc trong điều kiện bình thường) đến 14-16 ngày (công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, những nơi có điều kiện sinh sống khắc nghiệt, lao động chưa thành niên, khuyết tật...).
Nghị định số 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi theo BLLĐ, tại điều 6có quy định rõ thời gian học nghề, tập nghề, thử việc theo HĐLĐ cũng được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm.
Tại điều 7 của nghị định 45 trên cũng quy định cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm như sau:
Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm. Kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 1 đơn vị.
Do bạn ký HĐLĐ từ ngày 1-7-2013 nhưng bắt đầu thử việc từ ngày 1-10-2012, nên mốc thời gian để tính nghỉ hằng năm được hưởng nguyên lương (nghỉ phép) là từ 1-10-2012. Tuy nhiên, do thời gian nghỉ phép được tính theo năm dương lịch, nên thời gian nghỉ phép năm 2013 của bạn được tính từ ngày 1-1-2013. Đến 20-11-2013 bạn được quyền nghỉ phép năm được hưởng nguyên lương là 11 ngày.
Việc công ty giải thích sau khi ký hợp đồng một năm mới được nghỉ phép là không phù hợp với quy định pháp luật. Bạn có thể yêu cầu công ty căn cứ vào BLLĐ, Nghị định 45/2013 NĐ/CP có hiệu lực từ 1-5-2013 để giải quyết quyền lợi cho bạn.
Chúc bạn thành công!
Thư Viện Pháp Luật