Quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế dự phòng

Mới đây, khi Nghị định 146/2018/NĐ-CP được ban hành, có rất nhiều thắc mắc gửi về cho Ban biên tập mong nhận được phản hồi. Trong những thắc mắc gửi về có nội dung: Theo quy định mới thì việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế dự phòng được quy định ra sao?

Quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế dự phòng quy định tại Điều 35 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm y tế (có hiệu lực từ ngày 01/12/2018), cụ thể như sau:

- Nguồn hình thành quỹ dự phòng:

+ Số tiền được trích hằng năm theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 Nghị định này và điểm a khoản 3 Điều 35 của Luật bảo hiểm y tế;

+ Các khoản thu chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế;

+ Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm y tế;

+ Tiền lãi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.

- Nội dung sử dụng quỹ dự phòng:

+ Bổ sung kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp số thu bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định này nhỏ hơn số chi khám bệnh chữa bệnh trong năm. Sau khi thẩm định quyết toán, bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm bổ sung toàn bộ phần kinh phí chênh lệch này từ nguồn quỹ dự phòng.

+ Hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế.

- Trường hợp quỹ dự phòng không đủ để bổ sung kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho các tỉnh, thành phố theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam phương án giải quyết trước khi báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ các biện pháp giải quyết để bảo đảm đủ và kịp thời nguồn kinh phí cho khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.

Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hiểm y tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào