Tính phụ cấp cho ngành Y tế như thế nào?
Theo Điều 6 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang quy định các chế độ phụ cấp lương như sau: Phụ cấp thâm niên vượt khung; Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp đặc biệt; Phụ cấp thu hút; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp độc hại, nguy hiểm và Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc bao gồm: phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề, phụ cấp trách nhiệm công việc… áp dụng trong một số ngành cụ thể.
Theo Thông tư liên tịch số: 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19-1-2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập quy định như sau: Công chức, viên chức được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP thuộc biên chế trả lương (kể cả lao động hợp đồng) trong các cơ sở y tế công lập được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề gồm:
1. Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế (xếp lương theo các ngạch viên chức có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 16 hoặc 13) để thực hiện các công việc sau: Khám điều trị, chăm sóc phục vụ người bệnh, xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh lú, phòng chống bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch, kiểm soát nhiễm khuẩn, nghiên cứu y dược học, trông coi nhà xác…
2. Công chức, viên chức trực tiếp làm chuyên môn y tế (xếp lương không có 2 chữ số đầu của mã ngạch 16 hoặc 13), đang đảm nhận các công việc: vận hành bảo dưỡng trang thiết bị y yế, nuôi trồng động thực vật thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, làm truyền thông giáo dục sức khỏe…
3. Công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện, trung tâm thuộc các chuyên khoa sau: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý và pháp y.
Theo Phần II Thông tư liên tịch số: 08/2005/TTLT-BNV-BTC, ngày 5-1-2005 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định: Nguyên tắc và căn cứ tính chế độ trả lương làm thêm giờ như sau:
1. Nguyên tắc: Tiền lương làm việc làm thêm giờ được tính theo số giờ thực tế làm thêm ngoài giờ tiêu chuẩn.
2. Căn cứ tính: Tiền lương giờ dùng làm căn cứ để tính trả tiền lương làm thêm giờ được xác định bằng tiền lương của một tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn trong một tháng.
Trong đó tiền lương của một tháng bao gồm: mức lương hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có). Cơ quan, đơn vị được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung thì tiền lương của một tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm tương ứng.
Vì vậy:
Chiếu theo quy định pháp luật nêu trên, căn cứ tính trả tiền lương làm thêm giờ được tính trên cơ sở mức lương hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có); trường hợp cơ quan, đơn vị được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung thì tiền lương của một tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm tương ứng.
Trong đó các khoản phụ cấp lương gồm có;
1/ Phụ cấp thâm niên vượt khung;
2/ Phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo;
3/ Phụ cấp khu vực;
4/ Phụ cấp đặc biệt;
5/ Phụ cấp thu hút;
6/ Phụ cấp lưu động;
7/ Phụ cấp độc hại, nguy hiểm;
8/ Các chế độ phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc gồm:
a/ Phụ cấp ưu đãi theo nghề
b/ Phụ cấp trách nhiệm công việc.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn tính các khoản phụ cấp lương để tính trả tiền lương làm thêm giờ.
Thư Viện Pháp Luật