Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên
Trước sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin và truyền thông trên thế giới, việc đẩy nhanh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt nam là một việc làm hết sức cấp bách.
Khu vực miền Trung và Tây nguyên là vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những giải pháp đặc thù để đẩy nhanh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong Vùng.
Để đặt cơ sở pháp lý cho việc phát triển CNTT&TT khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Bộ Bưu chính Viễn thông trước đây, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông đã sớm ban hành các văn bản sau: Quyết định số 13/2007/QĐ-BBCVT ngày 16/5/2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 08/2007/CT-BBCVT ngày 01/8/2007 về thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ nông thôn; Kế hoạch phát triển thông tin và truyền thông tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Cămpuchia đến năm 2010 (trong đó có các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên).
Các văn bản trên, đặc biệt là bản Quy hoạch đã đưa ra các giải pháp cụ thể, thể hiện rõ quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc tạo cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng cho đẩy nhanh ứng dụng và phát triển CNTT-TT vùng KTTĐ miền Trung, làm đầu tàu lan tỏa sự phát triển trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Về các giải pháp cụ thể khác, trên tinh thần “Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành trong vùng kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công nghệ thông tin và truyền thông. Tập huấn không ngừng nâng cao nhận thức, hiểu biết, trách nhiệm và năng lực ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước tại các địa phương. Tổ chức đào tạo cán bộ lãnh đạo thông tin đủ khả năng tập hợp lực lượng, tổ chức thực hiện thành công các dự án ứng dụng CNTT và Chính phủ điện tử trong các cơ quan nhà nước tại địa phương. Tập trung đầu mối quản lý và tổ chức triển khai các dự án ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông về các Sở Thông tin và Truyền thông.
Trên cơ sở đó, Bộ cũng đã phối hợp với UBND các tỉnh trong vùng chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai các dự án phát triển CNTT&TT trên địa bàn tỉnh. Tận dụng hiệu quả nguồn quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Tuyên truyền nâng cao hiểu biết và khả năng khai thác các lợi ích mà CNTT đem lại cho người dân và các doanh nghiệp.
Về Chiến lược phát triển lâu dài nguồn nhân lực CNTT:
Một trong những yếu tố quyết định cho việc đẩy nhanh ứng dụng và phát triển CNTT&TT là phát triển nguồn nhân lực CNTT&TT lâu dài và bền vững, không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng mà cả về chất lượng. Nắm bắt được điều đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sớm xây dựng Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2020, được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký quyết định phê duyệt ngày 26/10/2007 tại Quyết định số 05/2007/QĐ-BTTTT.
Để có những thông tin cụ thể hơn về việc phát triển lâu dài nguồn nhân lực CNTT&TT (đào tạo, sử dụng và giải pháp phát triển), đề nghị bạn tham khảo thêm trong bản Quy hoạch trên.
Xin cảm ơn bạn đã quan tâm và đặt câu hỏi.
Thư Viện Pháp Luật