Điều kiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho con của bệnh binh
Sau khi xem xét, Phòng Người có công, Sở Lao động - TB&XH Bắc Giang có ý kiến như sau:
Theo Điều 52, Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng ngày 29/8/1994 thì những quân nhân, công an nhân dân bị mắc bệnh, mất sức lao động từ 41%-60%, đã được xác nhận là bệnh binh hạng 3 từ ngày 31/12/1994 trở về trước nay không gọi là bệnh binh mà là quân nhân bị bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, Khoản 2, Điều 23, Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2005 thì không gọi là quân nhân bị bệnh nghề nghiệp mà là bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41%-60% và theo Khoản 2, Điều 23 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2012 thì cũng được gọi là bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41%-60%.
Về chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập được quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 24/5/2010 và Nghị định số 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ. Ngày 30/5/2014, Liên bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - TB&XH đã ban hành Thông tư Liên tịch số 20/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện. Điểm b, Khoản 1, Điều 4 của Thông tư Liên tịch quy định về các đối tượng được miễn học phí trong đó có con của bệnh binh.
Theo quy định trên, chị là sinh viên đang học hệ chính quy trường đại học công lập, có bố là bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41%-60% thuộc diện đối tượng được miễn học phí.
Thư Viện Pháp Luật