Tôi bán tạp hóa tại nhà, công việc rất rảnh rỗi nên có nhận trông thêm một bé gái hai tuổi con của chị N. ở gần nhà.
Đầu năm 2014, bỗng dưng chị N. viết đơn lên công an phường tố cáo con tôi, thằng bé 12 tuổi có hành vi hiếp dâm con gái chị (đứa bé mà tôi đang trông giữ). Từ đơn tố cáo trên, cơ quan điều tra đã mời con tôi lên làm việc rất nhiều lần và qua nhiều lần giám định, xác minh, cơ quan điều tra đã kết luận không có việc hiếp dâm như chị N. đã tố cáo.
Tuy đã có kết luận của công an nhưng những người hàng xóm ai cũng xem con tôi là một phạm nhân. Kể cả những đứa bạn học chung với con tôi chúng nó cũng chọc ghẹo khiến thằng bé xấu hổ đòi nghỉ học. Tôi muốn chị N. phải trực tiếp đứng ra công khai xin lỗi và chịu trách nhiệm về hậu quả của việc tố cáo sai mà chị ấy đã gây nên. Nhưng tôi không biết phải làm đơn gửi cho cơ quan nào và pháp luật có quy định về hình thức xử phạt những người tố cáo sai sự thật không?
Nguyễn Thị Nhung (Bình Phước)
Trường hợp của chị Nhung, trước tiên chị có thể liên hệ với các thầy cô để làm công tác tư tưởng vận động con chị tiếp tục đi học. Đồng thời, giải thích cho các bạn của con chị hiểu được bản chất sự việc đã xảy ra. Tiếp đến, chị có thể liên hệ với cơ quan điều tra nhờ cơ quan này mời hai bên lên để giải thích, hòa giải tìm ra tiếng nói chung. Nếu đã qua cơ quan điều tra mà cả hai bên vẫn chưa thể giải quyết được thì chị có thể nộp đơn khởi kiện dân sự yêu cầu bên tố cáo sai sự thật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, trong vụ kiện này chị phải chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại cho con lẫn gia đình chị.