Tổng hợp mức phạt khi chăn thả gia súc ra đường làm cản trở giao thông
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có qquy định xử phạt người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không nhường đường theo quy định, không báo hiệu bằng tay khi chuyển hướng;
+ Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường;
+ Không đủ dụng cụ đựng chất thải của súc vật hoặc không dọn sạch chất thải của súc vật thải ra đường, hè phố.
- Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới;
+ Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông;
+ Đi đàn hàng ngang từ 02 (hai) xe trở lên;
+ Để súc vật kéo xe mà không có người điều khiển;
+ Điều khiển xe không có báo hiệu theo quy định.
- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
+ Dắt súc vật chạy theo khi đang điều khiển hoặc ngồi trên phương tiện giao thông đường bộ;
+ Xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định.
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định.
- Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người thực hiện hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc phải dỡ phần hàng hóa vượt quá giới hạn hoặc phải xếp lại hàng hóa theo đúng quy định.
Theo đó, chủ sở hữu súc vật phải chịu trách nhiệm dân sự theo Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
** Với trường hợp nghiêm trọng thì chủ súc vật gây nạn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật