Sau khi ly hôn không muốn cho chồng cũ gặp con thì phải làm thế nào?
Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, chị không thể cản trở chồng cũ của chị thăm con vì đây là quyền của cha, mẹ - người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Tuy nhiên, có những trường hợp pháp luật quy định người trực tiếp nuôi con có thể yêu cầu Tòa án hạn chế thăm nom con trong những trường hợp nhất định mà làm ảnh hưởng xấu đến con, cụ thể như :
- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Phá tán tài sản của con;
- Có lối sống đồi trụy;
- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Theo thông tin chị cung cấp, chồng chị không dành thời gian nhiều cho gia đình thì không thuộc một trong những trường hợp nêu trên nên việc chị muốn ngăn cấm chồng chị không được thăm con là trái quy định của pháp luật. Chồng chị không thể làm ảnh hưởng xấu đến con bởi hành vi không dành thời gian cho gia đình, chỉ khi nào chồng chị có những hành vi kể trên thì chị mới có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của chồng chị. Nếu không, về mặt pháp luật, không ai có quyền hạn chế quyền chăm sóc, thăm nom con.
Ban biên tập thông tin đến chị!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật