Quấy rối tình dục nơi công sở, xử lý thế nào?
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính làm ảnh hưởng xấu tới môi trường làm việc, sự bình đẳng giữa người lao động nam và nữ, gây ra những ảnh hưởng về tâm lý, gây lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc cũng như năng suất lao động bị giảm sút và cần phải ngăn chặn.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Bộ luật lao động 2012 thì hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được xem là hành vi bị nghiêm cấm.
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 37 Bộ luật lao động 2012 cũng cho phép người lao động được chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp bị quấy rối tình dục và chỉ cần báo cho người sử dụng lao động biết trước 3 ngày.
Đối với người giúp việc gia đình - đối tượng có nguy cơ bị quấy rối tình dục cao hơn thì Bộ luật lao động 2012 cũng có quy định tại Khoản 4 Điều 182 như sau:
Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có những hành vi khác vi phạm pháp luật.
Điều này được quy định như một nghĩa vụ của người giúp việc gia đình để tự bảo vệ mình.
Hiện nay, quấy rối tình dục thường là những hành vi rất khó chứng minh vì hầu như không để lại sự thương tổn rõ ràng về sức khỏe, cho dù các nạn nhân phải chịu những khủng hoảng tâm lý nặng nề. Tuy nhiên, nếu người quấy rối "Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, nếu hành vi quấy rối được xác định là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015; mức phạt từ cảnh cáo đến phạt tù 05 năm.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục nơi làm việc ở Việt Nam.
Bộ Quy tắc này quy định: Quấy rối tình dục là hành vi có tình chất tình dục, gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, tạo ra môi trường làm việc bất ổn, thù địch và khó chịu.
Các hình thức quấy rối tình dục bao gồm: Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất (cố tình động chạm không mong muốn…); Quấy rối bằng lời nói (nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa; có ngụ ý về tình dục); Quấy rối bằng hành vi phi lời nói (nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm)…
Ban biên tập thông tin đến bạn!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật