Việc chuyển giao, tiếp nhận, bảo quản tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 57/2018/TT-BTC thì việc chuyển giao, tiếp nhận, bảo quản tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện như sau:
1. Việc bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, trừ các tài sản quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Các tài sản phải chuyển giao cho cơ quan chuyên ngành để bảo quản quy định tại Khoản 2 Điều 108 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP được thực hiện như sau:
a) Tài sản là bảo vật quốc gia, cổ vật và vật khác có giá trị lịch sử, văn hóa chuyển giao cho:
- Bảo tàng Lịch sử Quốc gia;
- Bảo tàng nhà nước cấp tỉnh nơi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
b) Tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện đặc chủng và tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ra quyết định tịch thu, cơ quan ra quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản tài sản.
Tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện đặc chủng và tài sản khác liên quan đến quốc phòng, an ninh do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc các cơ quan khác ra quyết định tịch thu được chuyển giao cho:
- Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Cơ quan nhà nước được phép sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
c) Tài sản là tiền Việt Nam, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh (đối với tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trung ương, cấp tỉnh quyết định tịch thu) hoặc Kho bạc Nhà nước cấp huyện (đối với tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã quyết định tịch thu) để bảo quản. Đối với giấy tờ có giá có khả năng chuyển đổi thành tiền mặt thì thực hiện thủ tục chuyển đổi thành tiền mặt nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định, trường hợp không đủ Điều kiện chuyển đổi thành tiền thì thực hiện thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước để lưu giữ, bảo quản.
d) Tài sản là bộ phận (mẫu vật) của động vật rừng quý hiếm thuộc nhóm IB chuyển giao cho Cơ quan Dự trữ nhà nước thuộc Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ lưu giữ, bảo quản theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
đ) Tài sản là gỗ, lâm sản khác thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm không được sử dụng vào mục đích thương mại, trừ tài sản quy định tại Điểm d Khoản này; động vật rừng còn sống hoặc sau khi được cứu hộ khỏe mạnh được chuyển giao theo quy định pháp luật cho các cơ quan sau:
- Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh (đối với tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trung ương, cấp tỉnh quyết định tịch thu) hoặc cơ quan Kiểm lâm cấp huyện (đối với tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền thuộc cấp huyện, cấp xã quyết định tịch thu) nơi có tang vật bị tịch thu;
- Vườn thú do Nhà nước quản lý;
- Các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống), giáo dục môi trường, Viện nghiên cứu chuyên ngành;
- Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.
e) Tài sản là động vật thủy sản nguy cấp, quý, hiếm không được sử dụng vào mục đích thương mại chuyển giao cho:
- Chi cục Kiểm ngư vùng hoặc cơ quan quản lý thủy sản cấp tỉnh hoặc khu bảo tồn để thả lại nơi cư trú đối với động vật thủy sản còn sống;
- Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam;
- Các cơ sở nghiên cứu khoa học (bao gồm cả cơ sở nghiên cứu nhân giống, giáo dục, viện nghiên cứu chuyên ngành).
g) Tài sản là chất phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị bức xạ và thiết bị hạt nhân chuyển giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Đối với tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người bị kết án bị tịch thu theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và đã có quyết định thi hành án của cơ quan có thẩm quyền và tài sản là vật chứng vụ án do cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dân các cấp ra quyết định tịch thu, đơn vị chủ trì quản lý tài sản quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chịu trách nhiệm bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp phải chuyển giao cho cơ quan chuyên ngành bảo quản theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Đối với tài sản là hàng hóa tồn đọng được lưu giữ tại khu vực cảng, kho, bãi thuộc địa bàn hoạt động hải quan (sau đây gọi là hàng hóa tồn đọng), tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, tài sản không có người nhận thừa kế, tài sản của quỹ xã hội, quỹ từ thiện bị giải thể nhưng không có quỹ khác có cùng mục đích hoạt động nhận tài sản chuyển giao hoặc bị giải thể do hoạt động vi phạm Điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội (sau đây gọi là tài sản của quỹ bị giải thể), đơn vị chủ trì quản lý tài sản quy định tại các Khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 5 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP chịu trách nhiệm bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp phải chuyển giao cho cơ quan chuyên ngành bảo quản theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
5. Đối với tài sản do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam, đơn vị chủ trì quản lý tài sản quy định tại Khoản 8, Khoản 9 Điều 5 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật