Thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng
Căn cứ pháp lý: - Luật Xây dựng 2014; Nghị định 15/2021/NĐ-CP; Nghị định 100/2018/NĐ-CP; Thông tư 38/2022/TT-BTC; Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì các lĩnh vực cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng gồm:
- Khảo sát địa hình;
- Khảo sát địa chất công trình.
Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng được phân thành các hạng sau đây: Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng I, Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng II và Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng III.
Trình tự, thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng được thực hiện cụ thể như sau:
1/ Điều kiện cấp:
a. Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng I
- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Về trình độ chuyên môn:
+ Đối với lĩnh vực khảo sát địa hình: Có trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành: địa chất, trắc địa, bản đồ, xây dựng công trình;
+ Đối với lĩnh vực khảo sát địa chất công trình: Có trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành: địa chất, xây dựng công trình.
- Về kinh nghiệm:
+ Có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc khảo sát xây dựng từ 07 năm trở lên;
+ Đã làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp I trở lên hoặc 03 công trình từ cấp II trở lên.
- Đạt yêu cầu sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng.
b. Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng II
- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Về trình độ chuyên môn:
+ Đối với lĩnh vực khảo sát địa hình: Có trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành: địa chất, trắc địa, bản đồ, xây dựng công trình;
+ Đối với lĩnh vực khảo sát địa chất công trình: Có trình độ đại học thuộc một trong các chuyên ngành: địa chất, xây dựng công trình.
- Về kinh nghiệm:
+ Có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc khảo sát xây dựng từ 04 năm trở lên;
+ Đã làm chủ nhiệm khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 01 dự án từ nhóm B trở lên hoặc 02 dự án từ nhóm C trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp II trở lên hoặc 03 công trình từ cấp III trở lên.
- Đạt yêu cầu sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng.
c. Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng III
- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Về trình độ chuyên môn:
+ Đối với lĩnh vực khảo sát địa hình: Có trình độ chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: địa chất, trắc địa, bản đồ, xây dựng công trình;
+ Đối với lĩnh vực khảo sát địa chất công trình: Có trình độ chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: địa chất, xây dựng công trình.
- Về kinh nghiệm:
+ Có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc khảo sát xây dựng từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp;
+ Đã tham gia khảo sát xây dựng thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ ít nhất 02 dự án từ nhóm c hoặc 02 dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật trở lên hoặc ít nhất 02 công trình từ cấp III trở lên hoặc 03 công trình từ cấp IV trở lên.
- Đạt yêu cầu sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng.
2/ Hồ sơ đề nghị cấp:
Bao gồm:
(1) Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng kèm theo 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm có nền màu trắng chân dung của người đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
(2) Văn bằng do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp phù hợp với Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng;
Đối với văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải là bản được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định và phải có bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(3) Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trong trường hợp đề nghị nâng hạng chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng;
(4) Các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai. Người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận. Trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện tiêu biểu đã kê khai.
(5) Giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân là người nước ngoài.
(6) Kết quả sát hạch đạt yêu cầu trong trường hợp đã sát hạch trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng;
Lưu ý: Các tài liệu tại (2), (3), (4) và (6) phải là bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu.
3. Quy trình cấp:
- Cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng qua mạng trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng.
- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng phải thông báo một lần bằng văn bản tới cá nhân đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.
4. Thẩm quyền cấp:
- Cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng I.
- Sở Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng II và hạng III.
- Tổ chức xã hội - nghề nghiệp được công nhận đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề khảo sát xây dựng hạng II và hạng III cho cá nhân là hội viên, thành viên của mình.
5. Thời hạn giải quyết: 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
6. Lệ phí cấp: 300.000 (ba trăm nghìn) đồng/chứng chỉ.
7. Thời hạn của Chứng chỉ: 05 năm. Riêng đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Để nắm thông tin về điều kiện, tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục xin cấp các chứng chỉ hành nghề khác, vui lòng tra cứu tại: Tra cứu chứng chỉ hành nghề.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật