Muốn đổi từ họ cha nuôi sang họ cha đẻ phải làm sao?
Căn cứ pháp lý:
- Điều 27 Bộ Luật Dân sự 2015;
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Luật Hộ tịch 2014.
Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:
- Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
- Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;
- Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;
- Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;
- Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
- Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;
- Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
==> Như vậy theo quy định trên đây thì nếu bạn muốn lấy lại họ của cha đẻ thì trước hết bạn phải làm thủ tục chấm dứt nuôi con nuôi, sau đó làm thủ tục cải chính hộ tịch.
+ Thẩm quyền giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi thuộc về Tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thành phố nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc.
Thủ tục giải quyết được tiến hành theo thủ tục tố tụng dân sự cụ thể gồm các bước:
Bước 1: Gửi đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền trong đơn nêu rõ đơn yêu cầu giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi. Trong đơn phải đảm bảo các nội dung cơ bản sau:
- Ngày, tháng, năm viết đơn;
- Tên Toà án có thẩm quyền giải quyết đơn;
- Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự đó;
- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có;
- Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu;
- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.
Gửi kèm theo đơn yêu cầu là tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Bước 2: Tòa án tiến hành mở phiên tòa giải quyết việc dân sự: căn cứ vào các tình tiết, các quy định pháp luật, Tòa án ra quyết định về việc giải quyết chấm dứt việc nuôi con nuôi, bao gồm cả việc nộp lệ phí, án phí theo quy định của pháp luật.
+ Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc cải chính hộ tịch đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.
- Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.
- Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
- Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật