Người lao động có việc làm vẫn hưởng trợ cấp thất nghiệp bị xử phạt như thế nào?

Ban biên tập cho tôi hỏi một vấn đề sau: Bạn tôi sau khi nghỉ việc ở công ty trước có làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp, sau một thời gian nay bạn tôi đã đi làm lại, đã giao kết hợp đồng chính thức với công ty mới, vậy nó có được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp không? Nếu không nhưng nó không thông báo vẫn muốn tiếp tục hưởng thì nó sẽ bị xử phạt như thế nào nếu bị phát hiện? Đỗ Dung - Khánh Hòa

Căn cứ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp có quy định:

Một trong những trường hợp mà người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp là có việc làm. Theo đó, người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 03 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày có việc làm trong trường hợp này được xác định là ngày bắt đầu làm việc của người đó ghi trong quyết định tuyển dụng;

- Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

=> Như vậy, trường hợp bạn của bạn đã giao kết hợp đồng lao động nên thuộc trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo đó, tại Điều 27 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, có quy định về vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

..........

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp sau đây:

a) Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

c) Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

......

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

=> Như vậy, với hành vi không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn của bạn có thể bị xử phạt đến 02 triệu đồng, đồng thời buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận.

Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.

Trân trọng và chúc sức khỏe!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trợ cấp thất nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào