Đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú như thế nào?
Theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:
2. Cấm các hành vi sau đây:
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
Như vậy, chị bạn có qua lại với một người đàn ông đã có vợ và có con riêng, hành vi này được xem là hành vi vi phạm pháp luật hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được khai sinh.
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
Như vậy, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ, đứa trẻ sẽ được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của chị bạn và phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ sẽ để trống.
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đứa trẻ được sinh ra, chị chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ với các giấy tờ quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 bao gồm:
– Tờ khai: theo mẫu tại Phụ lục 5 ban hành kèm Thông tư 15/2015/T-BTP;
– Bản chính giấy chứng sinh. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp bản chính văn bản của người làm chứng xác nhận việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải nộp bản chính giấy cam đoan về việc sinh.
Chị bạn đến UBND cấp xã nơi cư trú để thực hiện đăng ký khai sinh hoặc gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Ban biên tập thông tin đến bạn!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật