Trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 Thông tư 36/2018/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, có hiệu lực từ 06/12/2018, có quy định trách nhiệm của đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực như sau:
1. Hoạt động điện lực theo đúng nội dung quy định trong giấy phép.
2. Đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép trong trường hợp thay đổi về tên, địa chỉ trụ sở, loại hình hoạt động, đơn vị quản lý vận hành, phạm vi hoạt động, thời hạn của giấy phép.
3. Duy trì các điều kiện hoạt động điện lực đã đăng ký và được cấp phép trong suốt thời gian hoạt động.
4. Tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
5. Nộp đầy đủ các loại phí liên quan tới giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
6. Không cho thuê, cho mượn, tự sửa chữa nội dung giấy phép hoạt động điện lực.
7. Trước ngày vận hành thương mại các đơn vị phát điện có trách nhiệm hoàn thành:
a) Ký kết Hợp đồng mua bán điện theo quy định (trừ các nhà máy thủy điện thuộc Danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Danh mục các nhà máy điện phối hợp vận hành với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh do Bộ Công Thương phê duyệt; các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty Điện lực theo Văn bản đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam);
b) Hệ thống SCADA phục vụ vận hành hệ thống điện theo quy định;
c) Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phục vụ vận hành thị trường điện (đối với các nhà máy tham gia thị trường điện);
d) Các nội dung quy định khác về quản lý, vận hành nhà máy điện tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
8. Trong thời hạn 12 tháng tính từ ngày được cấp giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, đơn vị được cấp giấy phép có trách nhiệm nộp bổ sung các nội dung sau:
a) Bản sao Văn bản nghiệm thu về hệ thống phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền;
b) Bản sao biên bản nghiệm thu kết nối tín hiệu hệ thống SCADA phục vụ vận hành hệ thống và thị trường điện theo quy định;
c) Bản sao biên bản nghiệm thu đưa vào vận hành hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phục vụ vận hành thị trường điện theo quy định;
d) Bản sao các quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền đối với các phương án về quản lý an toàn đập và bản báo cáo kiểm định an toàn đập theo quy định (đối với nhà máy thủy điện).
9. Chịu sự kiểm tra, thanh tra và chấp hành quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng giấy phép và duy trì các điều kiện hoạt động đã đăng ký.
10. Lưu giữ giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp tại trụ sở đơn vị.
11. Trách nhiệm báo cáo
a) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày thay đổi địa chỉ trụ sở trong giấy phép hoạt động điện lực;
b) Báo cáo ngay với cơ quan cấp giấy phép trong trường hợp Giấy phép hoạt động điện lực bị mất hoặc bị hỏng;
c) Trước ngày 01 tháng 3 hàng năm, báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, Sở Công Thương tại địa phương về việc thực hiện duy trì điều kiện hoạt động trong lĩnh vực được cấp phép và tình hình hoạt động điện lực của năm trước theo các Mẫu 4a, 4b, 4c và 4d quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 60 ngày trước ngày ngừng hoạt động điện lực hoặc chuyển giao hoạt động điện lực;
đ) Báo cáo và cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin khi cơ quan cấp giấy phép, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Trên đây là nội dung tư vấn. Mong là những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn.
Trân trọng và chúc sức khỏe!
Thư Viện Pháp Luật