Chế độ thai sản đối với người làm việc trong lực lượng vũ trang

Chào Ban biên tập. Tôi là Thảo Hoàng. Hiện cả 2 vợ chồng công tác trong lực lượng vũ trang. Tháng 12/2018 này tôi nghỉ chế độ thai sản, sanh đôi, tháng 12/2018 này hệ số lương của tôi là 5,4; phụ cấp thâm niên là 14 năm 11 tháng. Xin hỏi tôi được hưởng chế độ nghỉ thai sản và tiền trợ cấp thai sản như thế nào? Chồng tôi có được chế độ gì không? Mong được tư vấn sớm và gửi về địa chỉ: thao***@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

- Thời gian hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

...

7. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Như vậy, trường hợp chị sinh đôi thì sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 07 tháng (thời gian hưởng chế độ thai sản của chị bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần). Và chồng chị cũng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày chị sinh con, nếu chị sinh thường thì chồng chị sẽ được nghỉ 10 ngày làm việc; trường hợp chị sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng chị được nghỉ 14 ngày làm việc (thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của chồng chị không tính vào ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).

- Về mức hưởng chế độ thai sản, chị tham khảo tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH:

1. Mức hưởng chế độ thai sản được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn cụ thể như sau:

a) Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.

Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Ví dụ 16: Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- Từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;

- Từ tháng 02/2016 đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương thángđóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc

=

(5.000.000 x 4) + (6.500.000 x 2)

6

 

=

5.500.000 (đồng/tháng)

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.

Ví dụ 17: Chị D sinh con ngày 13/5/2017 (thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), có quá trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:

- Từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2016 (24 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 8.500.000 đồng/tháng;

- Từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2016 (4 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;

- Từ tháng 9/2016 đến tháng 4/2017 (8 tháng), nghỉ dưỡng thai, không đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị D được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương thángđóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc

=

(7.000.000 x 4) + (8.500.000 x 2)

6

 

=

7.500.000 (đồng/tháng)

Như vậy, mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị D là 7.500.000 đồng/tháng.

b) Đối với trường hợp người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật bảo hiểm xã hội ngay trong tháng đầu thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội thì mức hưởng chế độ thai sản được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của chính tháng đó. (Trường hợp này thuộc Khoản 2 Điều 34, áp dụng cho trường hợp của chồng chị)

Ban biên tập thông tin đến Chị!

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Lực lượng vũ trang nhân dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào